Đến với miền Tây và qua tỉnh Bạc Liêu, là vùng đất từ xa xưa đã nổi tiếng là trù phú và phì nhiêu. Đây còn là vùng đất hội tụ văn hóa của ba dân tộc Kinh – Hoa – Khmer thể hiện qua những công trình văn hóa độc đáo, tạo nên vẻ đẹp riêng. Nhắc đến Bạc Liêu người ta nghĩ ngay đến công tử Bạc Liêu – vị công tử nổi tiếng ăn chơi một thời. Đến Bạc Liêu du khách không chỉ được thăm quan nhà công tử Bạc Liêu- căn biệt thự bề thế với vẻ đẹp vừa cổ điển, vừa sang trọng mang đậm dấu ấn Tây Âu mà còn có cơ hội được nghe điệu đờn ca tài tử do các nghệ sĩ miệt vườn thể hiện. Hãy cùng danangnet.com tận mắt chứng kiến những gì thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này nhé.

Vị trí và cách di chuyển đến nhà công tử Bạc Liêu

Nhà Công tử Bạc Liêu tọa lạc ở số 13, đường Điện Biên Phủ, phường 3, thành phố Bạc Liêu. Ngôi nhà được xây dựng vào khoảng năm 1919 do kỹ sư người Pháp thiết kế và tất cả vật liệu để xây dựng đều được đưa từ Pháp qua, đây là ngôi nhà bề thế nhất ở Nam Kỳ lục tỉnh.

Do Bạc Liêu chưa có sân bay nên du khách phải đến sân bay Cà Mau (cách Bạc Liêu 60km) trước rồi di chuyển đến nhà công tử Bạc Liêu.

Nếu xuất phát từ Hà Nội bạn có thể di chuyển bằng máy bay. Tuy nhiên để đến Cà Mau phải qua 1 điểm quá cảnh tại TP. Hồ Chí Minh. Sau khi đến Cà Mau, bạn bắt xe khách như nhà xe Phương Trang hoặc nhà xe Tuấn Hưng đi Bạc Liêu, giá khoảng 60.000đ/vé và đi tầm 1h là đến nơi. Ngoài máy bay, bạn có thể đi xe khách hoặc tàu hỏa.

Từ TP. Hồ Chí Minh đến Bạc Liêu thuận tiện hơn 1 chút vì có đường bay thẳng đến Cà Mau, giá khoảng 1.500.000đ/vé. Còn nếu muốn đến thẳng Bạc Liêu, bạn nên đi xe khách của các nhà xe như Mai Linh (145.000đ/vé), Liên Hưng (180.000đ/vé).

Giá vé tham quan

Giá vé tham quan và nghe thuyết minh là 30.000đ/người lớn và 10.000đ/trẻ em. Tuy vậy không phải thời điểm nào cũng có người thuyết minh cho bạn. Bạn cần đợi đến lượt, nhưng yên tâm là cũng khá nhanh. Bạn cũng có thể tự tham quan và chụp ảnh trước khi nghe thuyết minh.

Khám phá vẻ đẹp của Nhà công tử Bạc Liêu

Nhà công tử Bạc Liêu là một trong 3 ngôi nhà cổ lưu giữ nét văn hóa thời điền chủ, bá hộ ngày trước. Nó không chỉ là nét văn hóa to lớn mà còn là chứng vật sống cho truyền kỳ về vị công tử ăn chơi khét tiếng ngày xưa. Công tử Bạc Liêu đã được người ta biết đến với rất nhiều giai thoại ăn chơi bạt mạng và lắm vợ nhiều….bồ. Ông là khách quen của tất cả các nhà hàng sang trọng ở Sài Gòn, đánh bạc với số tiền khổng lồ và lái máy bay đi thăm ruộng. Là người hào hoa, phong nhã, cách ăn chơi khá phóng túng, ông đã từng đốt tiền nấu chè với công tử Phước-thường được gọi là Bạch công tử…Cuộc sống của các công tủ thời đó giống như cuộc sống của các đế vương vậy. Vì thế, khi đến với Bạc Liêu, bạn hãy thử ghé thăm nhà “công tử Bạc Liêu” để phần nào thấy được cuộc sống sang trọng của “công tử” và tận hưởng những phút giây thư giãn thú vị….Và Chắc hẳn nhiều người từng nghe qua những câu hát, những câu chuyện ăn chơi nức tiếng của  công tử Bạc Liêu.

Ngay khi bước chân vào ngôi nhà, du khách sẽ bị cuốn hút bởi những đường nét thiết kế tỉ mỉ, tinh tế, toát lên vẻ sang trọng và hào hoa. Những chiếc đèn màu vàng tỏa ánh sáng lung linh tạo cảm giác ấm cúng và lịch lãm. Trên mỗi cây cột của ngôi nhà đều được trang trí nhiều hoa văn đẹp mắt.

Ngôi nhà tuy đã có tuổi đời 100 năm tuổi nhưng nó mang nét kiến trúc Tây Âu hiện đại. Ngôi biệt thự của công tử Bạc Liêu được xây dựng từ năm 1919, do kỹ sư người Pháp thiết kế. Để đảm bảo độ bền và diện mạo kiến trúc, chủ nhân đã đặt hàng và cho chuyên chở toàn bộ vật liệu xây dựng như thép đúc, cửa, cẩm thạch lát nền, gạch, khung sắt trang trí từ Pháp qua. Các bù loong, ốc vít cho các chi tiết xây dựng đều được đóng dấu chìm mẫu tự P rất hoa mỹ, chứng thực sản xuất tại thủ đô Paris. Người dân Bạc Liêu gọi đây là "Nhà Lớn". Không chỉ đẹp về kiến trúc, nội thất mà nhà Hội đồng Trạch cũng qui tụ vô số đồ gỗ, sứ, đồng... quý giá. Những bảo vật đó đến nay không còn do con cháu không giữ được, do mất mát vì chiến tranh hoặc những nguyên nhân khác.

Nhà công tử Bạc Liêu mang vẻ đẹp cổ điển, sang trọng và vô cùng bề thế, thể hiện sự giàu có nổi tiếng của công tử Bạc Liêu lúc bấy giờ. Dù đã trải qua theo dòng thời gian nhưng ngôi nhà vẫn giữ được sự sang trọng, vẻ đẹp độc đáo khác biệt với những tòa biệt thự hiện đại ngày nay.

Nhà công tử Bạc Liêu có 2 tầng với nội thất cực kì sang trọng. Vật liệu sử dụng chủ yếu là thép đúc, nền lát đá cẩm thạch và nhiều khung sắt trang trí tạo nên vẻ đẹp cổ điển nhưng cũng vô cùng độc đáo. Nhà được quét sơn trắng thể hiện sự sang trọng, lộng lẫy, các ô cửa sổ màu xanh dương tạo nét hài hòa và là điểm nhấn cho ngôi nhà.

Tầng trệt của nhà gồm 2 phòng ngủ, 2 đại sảnh khá rộng và sang trọng cùng với cầu thang dẫn lên lầu. Ở giữa tầng trệt sẽ là tủ thờ với tượng cha mẹ của công tử Bạc Liêu là ông Trần Trinh Trạch và bà Phan Thị Muồi. Ngoài ra đối diện tủ thờ là hình ảnh của gia đình công tử Bạc Liêu. Tầng dưới còn 1 cầu thang dẫn lên 1 căn gác nhỏ. Người ta hay gọi đó là phòng phơi tiền. Nơi mà gia đình công tử Bạc Liêu thường hay phơi tiền để tránh bị ẩm mốc. Tầng dưới trưng bày một chiếc xe cổ sang trọng bậc nhất lúc bấy giờ. Đặc biệt, ngôi nhà còn có một căn phòng với đầy đủ tiện nghi: ti vi, máy lạnh, bàn viết… là phòng trước kia của công tử Bạc Liêu nên thường gọi là “phòng công tử”. Ngoài ra ông còn có phòng ngủ đặc biệt với 2 chiếc giường rộng được khắc cẩn xà cừ với hoa văn vô cùng tinh xảo: 1 giường nóng để ngủ vào mùa lạnh; 1 giường lạnh làm bằng gỗ sưa, lót đá cẩm thạch. Trên lầu có 3 phòng ngủ và hai đại sảnh lớn. Bước ra ban công là thấy khung cảnh sông nước hữu tình, gần đó còn là 1 khu chợ lớn.

Trần nhà được lắp đèn chùm lộng lẫy và những đèn vàng tỏa ánh sáng lung linh và tạo cảm giác ấm cúng. Cầu thang rộng, uốn lượn mềm mại góp phần tạo nên vẻ cổ điển cho căn nhà. Trên mỗi cây cột có nhiều hoa văn đẹp mắt.

Kiến trúc của căn nhà là một sự kiện về thiết kế lớn ở miền Tây thuở bấy giờ. Lần đầu có người phá vỡ cấu trúc nhà 3 gian cổ xưa và cả cổng tam quan theo lối kiến trúc Trung Hoa. Căn nhà gần như thổi luồn gió mới phá vỡ nhiều lề lối cũ về kiến trúc nhà của người Việt ở miền Tây bấy giờ. Đặc biệt khiến nó trở thành 1 trong 3 ngôi nhà cổ lớn đại diện văn hóa nhà cổ miền Nam thời điền chủ, bá hộ bấy giờ bên cạnh: Nhà cổ Bình Thủy, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê.

Nhà công tử Bạc Liêu còn có rất nhiều những món đồ cổ quý hiếm như những chiếc bình, chum trà trang trí hình rồng, tủ thờ khá to, trang nghiêm cùng những bộ bàn ghế được cẩn xà cừ sắc sảo, trạm trổ tinh tế… tất cả vừa trang trí cho ngôi nhà thêm đẹp, lộng lẫy, vừa thể hiện sự giàu có, bề thế.

Sự lụi tàn của gia tộc nhà công tử Bạc Liêu

Gia tộc Trần Trinh nổi tiếng một thời với những ruộng lúa, ruộng muối không đếm xuể. Tuy vậy cực thịnh tất suy, sau những phong quang tưởng như của cải xài không hết thì cũng có lúc lụi tàn. Sự suy tàn của gia đình công tử Bạc Liêu cũng gắn với nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Tuy rằng ông khá ăn chơi nhưng số tiền ông xài chỉ là sợi lông trên con trâu làm ra tiền. Đặc biệt của cải của ông thể hiện rõ nét khi chúng ta khám phá xem nhà của công tử Bạc Liêu.

Yếu tố khách quan phải kể đến là việc những cải cách ruộng đất ở miền Nam. Nó mang đa phần gia sản của dòng họ Trần Trinh chia đều lại cho những người nông dân. Cái làm ra của cải chính của gia tộc và cái gốc của tài sản là đất đai đã mất đi. Tài sản cũng không còn làm ra đủ để tiêu xài.

Tiếp đó kể cả ngân hàng, nơi mà cha ông sáng lập cũng bị phá sản. Những tiền tệ thời Pháp gửi hay giấy tờ đều không được nhà nước thời bấy giờ công nhận. Những tiền gửi của cả dòng họ gần như trở về không. Những của cải dư thừa vài căn nhà phố hay đất đai ít ỏi không đủ phân chia.

Sự ăn chơi của một thế hệ khét tiếng từ người cha giàu có Trần Trinh Huy đến những người con cháu, anh em khiến của cải vơi dần. Đây là yếu tố dẫn đến khó khăn nhưng không ai đủ khả năng vực dậy gia tộc. Kể cả người hiểu biết như công tử Bạc Liêu sau nhiều lần ăn chơi cũng trở nên vô dụng.

Tới tham quan dinh thự Công tử Bạc Liêu, ngoài việc được nghe giới thiệu về những nét kiến trúc, sự ra đời của ngôi nhà, các vật dụng, đồ dùng liên quan, du khách còn được hướng dẫn viên kể lại nhiều giai thoại về chủ nhân của nó (cậu Ba Huy).

Công tử Bạc Liêu cùng với những giai thoại của mình đều đã trở thành hoài cổ, dĩ vãng. Đến đây, du khách còn có cơ hội nghỉ dưỡng trong những căn phòng kiến trúc Pháp sang trọng, đầy đủ tiện nghi, trải nghiệm cuộc sống trở thành những bà hoàng, công tử sang trọng tại khách sạn công tử Bạc Liêu. Thật là thú vị phải không nào các bạn nhớ lên kế hoạch đến đây khi về với Bạc Liêu nhé để tận mắt chứng kiến ngôi biệt thự công tử Bạc Liêu đã trải qua theo thời gian nhưng vẫn còn vẹn nguyên này nhé.

Xem thêm: