Hà Tiên với những cảnh đẹp thiên nhiên đầy chất thơ, những di tích lịch sử, đền chùa miếu mạo cổ kính, linh thiêng đã trở thành một điểm đến yêu thích của nhiều người và đi vào thơ ca của nhiều nhà văn nhà thơ. Xứ biển xinh đẹp Hà Tiên như một cô thôn nữ nhẹ nhàng, hiền hòa níu chân du khách. Đến với du lịch Hà Tiên thì bạn không thể bỏ qua địa điểm lịch sử tiêu biểu là Lăng Mạc Cửu. Hãy cùng danangnet.com trải nghiệm, khám phá địa điểm nổi tiếng và vô cùng đáng nhớ này nhé!

Lăng Mạc Cửu Hà Tiên

Vị trí và cách di chuyển đến Làng Mạc Cửu Hà Tiên:

Tọa lạc trên đường Mạc Cửu, ngay dưới chân núi Bình San, thuộc địa phận phường Bình San, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Khu di tích được xem là một trong những danh thắng đẹp nhất đất Hà Tiên, là nơi thờ dòng họ Mạc. Trong đó người khởi đầu chính là Tổng trấn Mạc Cửu – người đã có công khai phá và phát triển mảnh đất này từ 300 năm truớc.

Phương tiện đến Hà Tiên chủ yếu là xe khách hoặc xe máy:
+ Xe khách : Có rất nhiều hãng xe khách đi đến Hà Tiên từ các tỉnh thành như Sài Gòn, Trà Vinh, Tây Ninh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bình Phước, Bình Thuận, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, An Giang, Thái Bình, Vũng Tàu, Nam Định và Bình Dương. Thời gian mất tầm 7h sẽ đến nơi.
+ Xe máy: Từ Sài Gòn đi theo đường QL 1A, qua cầu Mỹ Thuận rẽ phải đi về Sa Đéc, theo tuyến Phà Vàm Cống – Long Xuyên – Châu Đốc – Tri Tôn – Hà Tiên. Thời gian đi từ 6h – 7h.
Hoặc bạn có thể đi máy bay từ Sài Gòn đến sân bay thành phố Rạch Giá, Kiên Giang rồi từ đây đi đến Hà Tiên, chặng đường mất tầm 2 - 3h.
Lăng Mạc Cửu: từ địa phận Hà Tiên, đi theo tuyến đường Tô Châu - Chi Lăng – Mạc Cửu, quãng đường tầm 1km và mất khoảng 15ph sẽ đến nơi.

Lăng Mạc Cửu Hà Tiên

Giới thiệu về lăng Mạc Cửu Hà Tiên:

Theo như những thông tin được biết thì khu di tích lăng Mạc Cửu là nơi thờ dòng họ Mạc. Trong đó người khởi đầu chính là Tống trấn Mạc Cửu – người đã có công khai phá và phát triển mảnh đất Hà Tiên từ 300 năm truớc.

Mạc Cửu là một người Quảng Châu, do không chấp nhận được một số tục lệ nhà Thanh như để tục tóc dài nên ông đã rời bỏ đất nước trở thành thương nhân buôn bán tại các nước Đông Nam Á. Sau khi đến Hà Tiên vào năm 1680, ông đã ở lại xây dựng và phát triển vùng đất này. Đến năm 1708, Mạc Cửu đã dâng mảnh đất Hà Tiên cho nhà Nguyễn và được phong làm “Tổng trấn Hà Tiên”.

Dù đã dâng Hà Tiên cho nhà Nguyễn nhưng ông vẫn được chúa Nguyễn Phúc Chu cho quyền tự chủ tại mảnh đất này, giống như một tiểu vương. Và trải qua 7 đời, dòng họ Mạc đã dốc hết công sức để biến từ một Hà Tiên nhỏ bé, hoang sơ trở thành một đầu mối giao thương của nước Đại Việt xưa.

Khám phá nét cổ kính trong kiến trúc của lăng Mạc Cửu Hà Tiên

Lăng và đền thờ Mạc Cửu được xây dựng từ năm 1735 đến năm 1739. Mặt tiền đền quay về hướng Đông, nơi có núi Tô Châu với dòng lưu thủy Đông Hồ, lưng tựa vào vách núi hình vòng cung vững chãi… Nằm lưng chừng núi Bình San, Lăng Mạc Cửu là một công trình khá đồ sộ, một quần thể kiến trúc với lăng mộ của các đời nhà họ Mạc, dòng họ có nhiều tiếng vang trong lịch sử, được coi là danh thắng đẹp nhất đất Hà Tiên (Kiên Giang).

Lăng Mạc Cửu Hà Tiên

Phía trước lăng là một ao sen, theo tương truyền là do Mạc Cửu sai đào để lấy nước cho người dân Hà Tiên sử dụng. Ngôi đền thờ nhà Mạc mang một vẻ đẹp cổ kính, linh thiêng nhưng không kém phần tinh xảo bởi những nét chạm khắc cầu kì, uyển chuyển, đẹp đẽ. Vào đây tham quan, thắp một nén hương bày tỏ lòng thành kính, cảm nhận mùi khói hương lan tỏa trong gió mới thấy lòng bình an và thêm yêu lịch sử của đất nước.

Mặt tiền của Lăng Mạc Cửu hướng về phía Đông, nơi có núi Tô Châu đẹp dịu dàng bên dòng Đông Hồ lững lờ trôi chảy. Cổng đền thờ có hai câu đối “Nhất môn trung nghĩa gia thinh trọng, Thất diệp phiên hàn quốc lũng vinh” (Một nhà trung nghĩa danh thơm cả họ, Bảy lá giậu che, cả nước mến yêu.) được nhà Nguyễn ban tặng.

Lăng Mạc Cửu Hà Tiên

Bên trong cổng là một khoảng sân rộng, tạo cho không gian lăng mộ lúc nào cũng yên tĩnh và trầm mặc. Đối diện cổng là đền thờ Mạc Cửu, cột vuông, có hoành phi và liễn đối. Tại chánh điện có một biển thờ đề bốn chữ “Khai trấn trụ quốc”, là lời tuyên dương của nhà Nguyễn trước công đức mở mang bờ cõi ở phía Nam của dòng họ Mạc. Trên vách đền có ghi lại những bài thơ trong Hà Tiên thập vịnh của Mạc Thiên Tích.

Đến chính điện, chúng ta sẽ thấy bàn thờ ông Mạc Cửu được đặt ở giữa và hai bên là hậu duệ của ông. Bên phải là quan văn, quan võ, còn bên trái là thờ các phu nhân trong dòng họ Mạc.

Ngôi mộ lớn nhất của Mạc Cửu được xây dựng theo lối kiến trúc Trung Hoa, hình bán nguyệt khoét sâu vào triền núi, chỗ chôn hài cốt đúc vôi và nước “ô dước” ra dáng con trâu nằm. Hai bên tả hữu là hai vị tướng, quanh mộ xây hai con rồng quấn vào nhau. Bậc thềm cẩn bằng đá xanh Quảng Tây, nhiều tảng đá dài hơn 3m.

Trước mộ có tượng Mạc Cửu mặc nhung phục, tay cầm kiếm đứng trên một bệ cao oai phong lẫm liệt. Hai bên mộ trước kia có hai tượng tướng sĩ oai phong cầm gươm đứng hầu, chạm trổ tinh vi. Bia mộ được tạc khá đơn giản, nội dung ghi: mộ của người họ Mạc được phong làm Trấn quốc, tặng là Nghị võ, tước Cửu Lộc hầu, bia được lập vào năm Ất Mão (1735) do người con trai là Thiên Tích lập.

Lăng Mạc Cửu Hà Tiên

Lần theo các lối mòn và những bậc thềm rêu phong là đến mộ phần của gia đình và tướng tá dòng họ Mạc. Phía dưới lăng Mạc Cửu là mộ bà Nguyễn Thị Hiếu Túc, vợ Mạc Thiên Tích (trái) và mộ Mạc Tử Hoàng (phải) rồi đến mộ Mạc Thiên Tích (cũng giống như mộ cha, nhưng bài trí khiêm nhường hơn). Đi vòng theo chân núi chừng 3 km, du khách sẽ bắt gặp một ngôi chùa do Mạc Thiên Tích xây cho thứ thiếp là Phù Cừ tu hành. Đó là chùa Phù Dung.

Lăng Mạc Cửu Hà Tiên

Trên đỉnh núi Bình San là nơi diễn ra lễ cúng tế trời đất của Hà Tiên xưa và nay. Cứ vào ngày 15/1 âm lịch hàng năm thì tại đay sẽ lập các đàn cúng, tuy nhiên giờ cúng mỗi năm lại khác nhau. Vào ngày 7/9/2008 tại quảng trường cạnh cầu Tô Châu – thị xã Hà Tiên, UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức lễ khánh thành tượng đài danh nhân Mạc Cửu nhằm ghi nhận công lao của ông đối với Hà Tiên.

 Lăng Mạc Cửu là một trong những cảnh đẹp của Hà Tiên. Du khách đến viếng thăm Lăng sẽ được nghe những câu chuyện về dòng họ Mạc, một dòng họ có nhiều công lao trong việc khai thác và trấn giữ đất Hà Tiên. Ngày 21/1/1989, núi Bình San được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là thắng cảnh quốc gia.

Lăng Mạc Cửu Hà Tiên

Đến với Hà Tiên ngắm nhìn những ruộng lúa bát ngát, những vườn cây ăn trái sum suê chạy dài theo hai bên đường quốc lộ 1, những dòng sông trĩu nặng phù sa hay những bờ kênh thẳng tắp, tấp nập ghe xuồng xuôi ngược, đưa khách tham quan về với thiên nhiên, về với cuộc sống bình dị nhất đan xen những di tích lịch sử hòa hùng cùng ngưng đọng theo dòng thời gia nhưng đền thờ, lăng mộ dòng họ Mạc vẫn giữ được nguyên vẹn những nét kiến trúc của thời kỳ đầu. Nếu có dịp du lịch Kiên Giang hãy cùng danangnet.com ghé thăm khu di tích Lăng Mạc Cửu ở thành phố Hà Tiên để được nghe câu chuyện về dòng họ Mạc. Đến dâng hương, viếng mộ thể hiện tình cảm, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc đối với người có công khai sáng mảnh đất phương Nam.

 Xem thêm: