Làng chiếu Cẩm Nê nổi tiếng làm ra những sản phẩm kỳ công, bền đẹp. Chiếu bền hơn các loại khác, mùa hè nằm mát mẻ, êm lưng và phảng phất hương cói, mùa đông chiếu tỏa ra hơi ấm. Theo lời kể của dân làng, chiếu Cẩm Nê từng được tiến vua nhà Nguyễn, nhiều nghệ nhân trong làng được khen thưởng và sắc phong. 

Làng Cẩm Nê hay còn gọi là làng chiếu Câm Nê thuộc xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang cách trung tâm thành phố Đà Nẵng, nằm giữa một vùng đồng bằng sông Cẩm Lệ. Chẳng những người quanh vùng mà cả người ở xa cũng biết cái tên của làng quê nhỏ bé này bởi làng có nghề dệt chiếu truyền thống nổi tiếng từ nhiều đời nay.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và bị cạnh tranh gay gắt, nghề chiếu Cẩm Nê vẫn tồn tại và phát triển đến hôm nay bởi đặc tính rất riêng của loại chiếu này, rất được sự ưa chuộng của người dân trong tỉnh và cả nước.

 Các làng nghề thường gắn liền với vùng nguyên liệu tại chỗ phục vụ sản xuất, thế nhưng ở Cẩm Nê không có chỗ nào trồng cây đay và lác (cói) – nguyên liệu phục vụ cho nghề dệt chiếu. Do đó, người dân Cẩm Nê phải đi đến các vùng khác để thu mua nguyên liệu. 

Một trong ba hộ còn làm nghề chiếu ở làng Cẩm Nê cho biết công đoạn đầu tiên là giũ cói (được mua từ tỉnh Bình Định) cho sạch những cây nhỏ và mào bám. Sau đó, cói được phơi nắng cho khô cứng rồi nhúng nước cho mềm trước khi dệt.

 

 

Cẩm Nê dệt nhiều loại chiếu, khổ rộng, khổ hẹp, dệt chiếu trơn và dệt chiếu hoa. Chiếu trơn là loại chiếu để nguyên sợi màu trắng không nhuộm màu. Chiếu trơn dệt loại lác dài không chắp, sợi nhỏ bán đắt tiền hơn loại dệt lác chắp, dệt hai sợi lác ngắn tiếp nối nhau. Loại chiếu trơn trắng này dùng loại lác phơi khô vừa phải, khi khô còn ửng màu xanh, đem vào dệt. Chiếu dệt xong đem phơi nắng, vừa để cho lá chiếu trắng sáng bóng, vừa cho khô giòn những đầu thừa thòi ra trên mặt lá chiếu của sợi lác, sợi đay, để dùng dao sắc, phạt cho đứt hết.

 

Loại chiếu hoa ở Cẩm Nê không phải dệt chiếu trắng xong mới dùng khuôn in hoa lên trên nền như một số vùng khác mà phải chọn sợi lác về nhuộm phẩm, màu sắc tùy theo người chủ. Màu đỏ, màu xanh, màu lục, màu vàng, màu ngại …Phẩm nấu lên và nhúng sợi lác vào, nhúng từng nạm một và đem phơi. Một nạm lác có thể nhuộm một hoặc hai ba lần tùy màu phẩm và độ pha chế đậm nhạt. Những sợi lác màu sau khi phơi khô, được đem chiếu hoa.

Một công phu của nghề dệt chiếu là chọn cây để làm khổ và thoi dệt. Phải chọn cây nào thật thẳng, nhẹ và bền. Vùng Cẩm Nê, người ta thường dùng cây cau già để làm khổ và thoi dệt. Mỗi khung dệt bắt buộc phải có hai người làm, một người giữ khổ, một người cầm thoi, dệt liên tục trong mười tiếng đồng hồ được một đôi rưỡi hoặc hai đôi chiếu, tùy loại đó là chiếu hoa hay chiếu trơn, khổ rộng hay khổ hẹp. Chiếu dệt xong đem trải khắp sân, khắp vườn, phơi để cho chiếu nguội và hoàn tất một phần công việc cuối cùng ghim các đầu dây đay để cho các sợi lác hai đầu chiếu khỏi bung ra. Công việc này cũng phải khéo tay và có cặp mắt mỹ thuật, không thì chiếc chiếu sẽ lệch.

Công đoạn cuối cùng trước khi bán chiếu cho thương lái là phải dùng dao nhặt sạch những sợi cói, đay xù xì cho mặt chiếu mịn màng. Tuy mất nhiều công đoạn, hai người làm cật lực mỗi ngày cũng chỉ sản xuất được 2-3 lá chiếu. Nên từng chiếc chiếu được hoàn thiện trông rất sắc, đẹp, và nằm mát và bền mang lại sự thỏa mái cho người sử dụng sản phẩm này.

Chiếu Cẩm Nê có ưu điểm là viền chiếu được gấp kỹ hơn, dày hơn, bền hơn, nằm êm lưng hơn so với chiếu của các địa phương khác .Và đó chính là những đặc điểm quan trọng về một làng nghề dệt chiếu truyền thống ở Đà Nẵng. Với những gì được lưu giữ và bảo tồn cho tới ngày nay, thì theo chân danangnet.com một lần đến Cẩm Nê là một lần được trải nghiệm chiếu êm truyền thống.
 

Xem thêm : 

Lịch trình tour Đà Nẵng city 

Lịch Trình tour Hội An city 

Lịch Trình tour Bà Nà Hill

Thành Lập Công Ty Tại Đà Nẵng